Bi kịch từ xuất khẩu lao động “chui”

(PL&XH) – Chiều 30 Tết Nhâm Thìn, người dân hai huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghệ An xôn xao, bàn tán chuyện 3 thanh niên XKLĐ tại Nga bị tai nạn lao động ngạt khí ga dẫn đến cái chết thương tâm.
Sau khi nộp tiền cho người môi giới để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) “chui” bên Nga. Năm 2010 cả đoàn hàng chục người từ các miền quê nghèo như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An)…, khăn gói lên đường tìm miền đất hứa. Oái oăm thay, cuộc sống của họ ở miền đất hứa không như mong đợi…

Tết… tang tóc

Chiều 30 Tết Nhâm Thìn, người dân hai huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghệ An xôn xao, bàn tán chuyện 3 thanh niên XKLĐ tại Nga bị tai nạn lao động ngạt khí ga dẫn đến cái chết thương tâm. Cái đáng nói và chua xót ở đây là chuyện sau khi chết những người lao động này không được chôn cất đàng hoàng.

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Công Hoàng, bố của nạn nhân Lê Công Khoa ở xóm 3B, xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu để chia buồn. Chỉ vì muốn con có một cuộc sống tốt đẹp hơn nên gia đình đã vay mượn cho con đi XKLĐ “chui”. Khoa đi được 1 thời gian, cả gia đình mong chờ một cuộc điện thoại từ bên kia của con gọi về nhưng không thấy…

Chiều 30 Tết cả gia đình đang tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, thì nhận được hung tin đứa con của họ đã ra đi vĩnh viễn bên xứ người – ông Lê Công Hoàng đau buồn cho hay: Khoảng 15g ngày 30 Tết, gia đình tôi nhận được cuộc điện thoại lạ thông báo “Vào ngày 14-12-2011 có 3 người quê ở Nghệ An đã chết trong một vụ tai nạn lao động ngạt khí ga ở bên Nga. Nhưng không cho biết tên họ, địa chỉ chính xác. Khi hỏi thì đầu dây bên kia không trả lời, rồi cúp máy giữa chừng…”.

Bên bàn thờ con vừa mới lập, ông Hoàng chua xót kể lại: “Thằng Khoa, SN 1992, không có việc làm ổn định. Gia đình cho nó đi XKLĐ để mai này nó được đổi đời”. Ông nói tiếp “Trước đây Khoa đi cùng với hai người bạn trong làng là Hồ Sĩ Hồ và Hồ Đức Thiêm, mỗi người muốn đi phải nộp cho chị Lành vợ của anh Đinh Quang Phúc (người môi giới XKLĐ “chui” – PV) thường trú tại xóm 3 xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu  2.700 USD .

Bố mẹ nạn nhân Nguyễn Văn Dũng bên bàn thờ con trai. Ảnh: Tam Mao

Hành trình XKLĐ “chui” và cái chết tức tưởi bên xứ người

Từ nước Nga xa xôi, tiếng kêu cứu của người lao động báo tin đã có ba người chết trong một vụ ngạt khí ga nhưng không được mai táng mà chỉ được lấp đất. Thậm chí, hai người phải nằm chung một… chỗ khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Chia tay gia đình nhà ông Hoàng, chúng tôi tìm về xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, nơi có gia đình nạn nhân từ Nga gọi điện về kêu cứu. Thật khó khăn lắm mới thuyết phục được anh trai của nạn nhân cung cấp thông tin đầy đủ về cuộc hành trình đi tìm miền đất hứa của hàng chục người do Đinh Quang Phúc môi giới. Anh trai của nạn nhân trình bày, mọi trách nhiệm của người môi giới đã hết khi người XKLĐ đã sang bên trời âu và có công ăn việc làm ổn định.

Rời khỏi xã Diễn Đoài, chúng tôi tìm đến xóm 2 xã Diễn Hạnh, nơi có nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cũng chung số phận như Lê Công Khoa. Bước chân vào nhà, đập vào mắt chúng tôi là đứa con còn quá nhỏ để hiểu chuyện nhưng thấy mẹ khóc nhiều, nó cũng khóc òa và tựa vào lòng mẹ. Kể chuyện trong nước mắt, vợ anh Tuấn chị Đặng Thị Nhung nghẹn ngào cho hay: “Tôi có can anh ấy đừng đi theo con đường bất hợp pháp, nhưng anh ấy vẫn quyết tâm đi để đổi đời, mong muốn kinh tế khá giả. Thời gian đầu anh thường xuyên gọi điện về an ủi vợ con, đợi một ngày anh làm ra tiền sẽ bù đắp cho gia đình, cho vợ, cho con… Thế mà nay anh đã ra đi vĩnh viễn, để lại vợ con còn anh ấy an nghỉ bên xứ người…”.

Chúng tôi tìm đến gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Dũng, SN 1992 xóm Phúc Nguyên, xã Diễn Phúc chia buồn. Bố của nạn nhân, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Dũng vừa mới xuất ngũ, bạn bè rủ rê đi XKLĐ đổi đời và gia đình đồng ý. Ngày 14-2-2011 nó nộp 50 triệu đồng cho chị Lành để đi XKLĐ “chui” bên Nga. Đi chưa đầy một năm, thì nó ra đi trong vụ ngạt khí ga. Bây giờ, nó nằm ở đâu tôi cũng không biết… Nó mất, khiến gia đình tôi hụt hẫng”.

Điều an ủi cho gia đình ông Vinh là Dũng sau khi bị ngạt khí ga được bạn bè đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và may mắn Dũng được chôn cất, điều khác với Khoa và Tuấn bị “chôn” chung một chỗ không được đắp mộ. Thông tin trên được một người bạn cùng quê làm cùng chỗ của Dũng cung cấp cho gia đình ông Vinh biết. Bà Trần Thị Nguyệt, mẹ của nạn nhân Dũng nói: “Gia đình tôi thuần tuý nông nghiệp, với số tiền 50 triệu đồng vay mượn là cả chục tấn thóc. Nhưng khó khăn là một chuyện, tôi mong sao đưa thi thể cháu về nhà để vợ chồng tôi chết cũng yên lòng…”

Mong muốn thiết tha của các gia đình nạn nhân là được đưa thi thể con em về nước, được mai táng chôn cất cẩn thận.

Trong vụ việc này, dư luận cho rằng, chính quyền địa phương đã quá buông lỏng công tác quản lý, để cho đối tượng Lành, Phúc đưa hàng chục người vượt biên trái phép. CQCA huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cần sớm vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc này.

Tam Mao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *