Người lao động nộp hồ sơ xuất khẩu lao động tại Sàn giao dịch tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Sắp kết thúc một năm đầy khó khăn, công tác xuất khẩu lao động vẫn có thể cán đích 87.000 người được đưa ra nước ngoài làm việc như chỉ tiêu đề ra.
Khó khăn đáng kể nhất là bất ổn chính trị tại Libya hồi tháng Ba, không những khiến Việt Nam không thể đưa lao động
mới sang làm mà còn phải đưa hơn 10.000 lao động đang làm việc tại Libya về nước. Bên cạnh đó là tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giai đoạn khó khăn, nhu cầu lao động không còn cao.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết bằng nỗ lực đẩy mạnh các thị trường truyền thống và khai thác một số thị trường mới, tính đến hết tháng 11, cả nước đã đưa được hơn 81.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt khoảng 93% kế hoạch cả năm.
Theo ông Thanh, “các thị trường chính đồng thời là thị trường truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia vẫn tăng về số lượng so với cùng kỳ năm 2010.”
Hiện nay, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại bốn thị trường này đạt trên 200.000 người, chiếm 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó, Đài Loan là thị trường chiếm nhiều nhất với 93.000 người, chủ yếu làm công nhân trong các nhà máy, nhân viên chăm sóc trong các nhà dưỡng lão… Thị trường Hàn Quốc có khoảng 60.000 lao động đang làm việc trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp và xây dựng.
Thị trường Malaysia có gần 54.000 lao động Việt Nam đang làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, sản xuất đồ gỗ; xây dựng hoặc nông nghiệp. Thị trường Nhật Bản có khoảng 18.000 lao động, chủ yếu trong các ngành nghề: cơ khí, điện tử, may công nhiệp, sản xuất sản phẩm nhựa…
Đề cập đến các khó khăn năm qua, bên cạnh nguyên nhân tình hình thế giới khó khăn, theo ông Thanh, tình trạng lao động Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài bỏ trốn cũng đang ảnh hưởng đến việc duy trì các thị trường truyền thống.
Để giữ vững các thị trường truyền thống, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường chất lượng tuyển chọn lao động, bảo đảm để người lao động được tuyển chọn có phẩm chất, nguyện vọng, kỹ năng và ý thức làm tốt công việc theo yêu cầu của bên tiếp nhận nước ngoài.
“Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống đã và đang nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn, Cục sẽ nghiên cứu phát triển các thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada, Nga, Phần Lan, Thụy Điển…,” ông Thanh cho hay.
Sắp tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ tiến hành thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi như việc tiếp cận và đàm phán với các nhà thầu xây dựng chuẩn bị đầu tư lại vào Libya; đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao cả về tay nghề và ngoại ngữ, các nghề trong lĩnh vực dịch vụ…/.
Hồng Kiều (Vietnnam+)