(TTXVN) Trong hai ngày 14-15/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc tổ chức hội thảo “Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.”
Để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ Việt Nam tại nước ngoài, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng quản lý lao động, Cục quản lý lao động ngoài nước, cùng với sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành địa phương trong nước cần cải thiện các đối thoại về chính sách với các nước tiếp nhận lao động nữ Việt Nam.
Cũng theo ông Tùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức cơ bản về giới, luật lao động của Việt Nam tại nước sở tại cũng như luật, văn hóa, ngôn ngữ của nước bạn cho lao động Việt Nam trước khi xuất ngoại.
Cơ quan Nhà nước có chức năng cũng như chính quyền địa phương cần quản lý, kiểm tra và xử lý mạnh tay các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động vi phạm, lừa đảo, không bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam nói chung, trong đó có lao động nữ.
Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần thương thảo và ký kết hợp đồng có đủ các điều kiện rõ ràng liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đúng theo pháp luật Việt Nam. Bản thân người lao động cần tự giác nâng cao trình độ ngoại ngữ, tìm hiểu thật kỹ thị trường lao động mà mình sẽ tới.
Trong chức năng của mình, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cần tăng cường giám sát thường xuyên việc thực hiện hợp đồng của đối tác cũng như liên hệ với người lao động để nắm tình hình và kịp thời giải quyết khi có tranh chấp.
Theo ông Vũ Lê Hà, trưởng phòng Lãnh sự ngoài nước, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, từ đầu năm 2006-2009, khu vực Tây Nam Bộ có 70.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Lao động nữ chăm sóc người bệnh tại bệnh viện và các cơ sở dưỡng lão ở Đài Loan hiện vẫn do phía Việt Nam cung ứng là chủ yếu, chiếm đến 74,79% thị phần ngành nghề tại Đài Loan.
Ở Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam hết hợp đồng đã trốn lại làm việc bất hợp pháp, có còn ngoài giá thú. Trong khi đó, ở Arập Xêút, lao động Việt Nam bị chủ quỵt lương thời gian làm thêm, bị ngược đãi, đánh đập và đuổi khỏi nhà. Do hạn chế ngôn ngữ, lao động nữ đã không bảo vệ được mình, không biết gọi cảnh sát can thiệp hoặc khi gọi cho Đại sứ quán kêu cứu nhưng lại không biết rõ địa chỉ mình đang ở đâu. Tại Italy, lao động nữ Việt Nam cũng bị chủ đối xử khắc nghiệt, lăng nhục khiến họ chán nản, bỏ trốn, trở thành lao động bất hợp pháp.
Bà Cao Thị Hồng Vân, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển Kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ khiến cho gia đình của họ mất đi một trụ cột, quan hệ gia đình rạn nứt. Ở nước bạn, họ dễ bị hụt hẫng tinh thần, không trực tiếp quyết định sử dụng đồng tiền do mình làm ra mà phải gửi về nhà trả nợ.
Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, sự thay đổi khí hậu; bị bóc lột sức lao động; vi phạm quyền con người và nguy cơ bị buôn bán. Khi trở về, họ sẽ phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh lại quan hệ gia đình cũng như tìm kiếm việc làm mới.
Hiện có khoảng gần 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, mỗi năm người lao động gửi về nước khoảng 1,7 tỷ USD. Tại một số tỉnh có số người đi xuất khẩu lao động lớn, lượng tiền họ gửi về xấp xỉ bằng tổng thu nội địa của tỉnh trong năm.
Cả nước có 251.000 nữ đi làm việc tại nước ngoài, trong đó nhiều nhất là Đài Loan (chiếm 61%), Malaysia (20,9%), Hàn Quốc (4,4%)… Ngành nghề tập trung nhiều lao động nữ nhất là ngành phục vụ cá nhân và xã hội, chiếm tới 52,95%./.
Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)