Thị trường XKLĐ Nhật Bản :Cơ hội mới cho lao động Việt Nam

Theo tin từ Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các đơn hàng tuyển tu nghiệp sinh (TNS) đi tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản xin thẩm định tại Cục này ngày càng tăng về đơn vị và số lượng.

Chỉ  tính riêng từ 1-17.5, Cục đã xét duyệt cho gần 10 doanh nghiệp tuyển khoảng 400 lao động đi tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản. Đây là cơ hội đáng mừng đối với lao động muốn được làm việc tại thị trường thu nhập cao này.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Hàng không (Airseco) Nguyễn Xuân Vui cho biết: Thu nhập của thị trường Nhật khá hấp dẫn. Với loại hợp đồng 1 năm (chi phí khoảng 1.500USD), lương cơ bản 70.000 yên/tháng (tương đương 14 triệu đồng/tháng); trong khi đó, trừ tiền ăn phải tự túc, các chi phí sinh hoạt như tiền nhà ở, điện, gas, nước, bảo hiểm, thuế được công ty tiếp nhận chu cấp miễn phí.

Với hợp đồng 3 năm (chi phí khoảng 5.000USD), lương cơ bản năm thứ nhất từ 60.000-75.000 yên/tháng (khoảng 12-15 triệu đồng), năm thứ hai và ba từ 120.000-130.000 yên/tháng (24-26 triệu đồng) không kể tiền làm thêm.

Hầu hết các doanh nghiệp khai thác thị trường Nhật đều đưa ra lời khuyên cho lao động rằng muốn làm việc ở Nhật phải kiên trì vì các doanh nghiệp ở Nhật không chỉ tuyển lao động rất kỹ mà họ cũng rất khắt khe trong thẩm định doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam. Khi nào thực sự tin tưởng doanh nghiệp, họ mới hợp tác tiếp nên số lượng lao động mỗi lần lấy thường không lớn, không ồ ạt. Hơn nữa, tỉ lệ TNS trong 1 xí nghiệp, nhà máy của Nhật không được vượt quá 10% số lao động ở nơi đó nên chủ doanh nghiệp cũng không được lấy nhiều.

Với sự khắt khe, kỹ tính trên nên không phải lao động nào cũng dễ dàng “lọt” vào mắt ông chủ Nhật ngay lần đầu, thậm chí có lao động phỏng vấn đến lần thứ 4 mới đỗ.

Đặc biệt chủ sử dụng lao động người Nhật không bao giờ chấp nhận bất kỳ một hành động hay lời nói gian dối nào của người lao động. Đây là điều tối kỵ không nên mắc phải.

Vì vậy, không những phải chăm chỉ, hoàn thành tốt công việc ở nơi làm việc, mà ngay cả trong sinh hoạt, lao động Việt Nam cũng cần chú ý đến những cử chỉ, cách ứng xử của mình. Bởi, cơ hội được lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào hình ảnh của lao động Việt Nam đang sống và làm việc tại Nhật.

Lam Thủy

(Nguồn :http://www.molisa.gov.vn)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *