Ưu đãi người nghèo đi xuất khẩu lao động

Thứ Bảy, 29/10/2011, 01:17 (GMT+7

TT – Với quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về việc “hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”, thanh niên thuộc 62 huyện nghèo cả nước sẽ được hỗ trợ 100% các chi phí liên quan và vay ưu đãi phí dịch vụ để đi xuất khẩu lao động.

Lao động nữ Việt Nam tại một nhà máy sản xuất đồ trẻ em ở Malaysia – Ảnh: H.Văn

Thị trường mà các doanh nghiệp hiện nay đang khai thác để đưa người nghèo đi xuất khẩu lao động thường là Malaysia và Trung Đông. Đây là hai thị trường theo các doanh nghiệp là phù hợp với người nghèo về điều kiện tuyển dụng lẫn chi phí dịch vụ.

Thu nhập 6-12 triệu/tháng

“Ngoài Malaysia, Trung Đông cũng là thị trường mà nhiều doanh nghiệp đang khai thác để đưa người nghèo đi làm việc. Tính từ đầu tháng 10-2011 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phê duyệt nhiều đơn hàng tuyển lao động đi Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Các đơn hàng chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, lái xe… có mức thu nhập từ 300 USD/tháng trở lên.”

Ông Nguyễn Xuân Vui, tổng giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Airseco, cho biết công ty đang có đơn hàng tuyển dụng 900 lao động nam qua làm việc tại nhà máy sản xuất vật tư và thiết bị y tế ở Malaysia. Ông Vui cho biết trước khi ký hợp đồng đơn hàng này, công ty đã qua Malaysia khảo sát và nhận thấy mức thu nhập của lao động tại nhà máy này từ 8-12 triệu đồng/tháng.

“Trước đây nhiều doanh nghiệp khai thác thị trường Malaysia theo kiểu chụp giật nên tạo tâm lý không ổn cho người lao động. Vì vậy, mấy năm trở lại đây rất khó tuyển lao động cho thị trường Malaysia. Hiện để thu hút người lao động quay lại với thị trường này, doanh nghiệp cần phải cam kết khai thác những đơn hàng có thu nhập cao, ổn định việc làm” – ông Vui cho biết.

Để thu hút lao động cho thị trường này, Công ty cổ phần thương mại Châu Hưng cũng có nhiều đơn hàng tuyển dụng không hạn chế lao động các huyện nghèo đi Malaysia làm việc trong các lĩnh vực điện tử, công nhân nhà máy… với cam kết thu nhập tối thiểu từ 5 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, Công ty Châu Hưng cho biết lao động của công ty tại Malaysia hiện có thu nhập trung bình 5-7 triệu đồng/tháng, có lao động tích cực làm việc đạt mức 8-10 triệu đồng/tháng.

Công ty xuất khẩu lao động Sovilaco cho biết đang có đơn hàng tuyển dụng không hạn chế lao động các huyện nghèo đi làm việc tại Malaysia trong các ngành nghề điện tử, xe hơi, cơ khí, sản xuất dụng cụ y tế, chế tác vàng, in ấn… với thu nhập 5 -7 triệu đồng/tháng.

Còn Công ty cổ phần dịch vụ nhân lực toàn cầu Gmas cũng vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước phê duyệt đơn hàng tuyển lao động các huyện nghèo đi Malaysia làm việc trong nhà máy công nghiệp, phục vụ nhà hàng với mức thu nhập từ 6,5 đến trên 7 triệu đồng/tháng. Tiêu chí tuyển dụng chung cho các đơn hàng khá dễ khi quy định độ tuổi 18-35, sức khỏe tốt, không tiền án tiền sự.

Được ưu đãi những gì?

Theo các doanh nghiệp, người lao động thuộc các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động được Nhà nước hỗ trợ gần như 100% các chi phí liên quan theo tinh thần của quyết định 71. Theo đó, người lao động được hỗ trợ 100% chi phí học nghề, học ngoại ngữ; tiền ăn và được cấp 40.000 đồng sinh hoạt phí/ngày; tiền lưu trú 200.000 đồng/người/tháng; các trang thiết bị như đồng phục, tiền tàu xe đi lại, chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, làm hộ chiếu… cũng được hỗ trợ hoàn toàn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, bên cạnh các chi phí trên thì phí dịch vụ sẽ được vay 100% với mức lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng chính sách xã hội ở huyện mà người lao động cư trú. Mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức quy định của ngân hàng (mức vay ưu đãi khoảng 0,33% – PV). Thời gian vay theo hợp đồng làm việc và trả dần đến lúc người lao động về nước khi hết hợp đồng. Lao động không phải hộ nghèo nhưng thuộc huyện nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng bằng 50% mức hỗ trợ so với các đối tượng hộ nghèo.

Ngoài quyết định 71 nói trên, mới đây Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hòa vừa ký ban hành văn bản về việc “hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” năm 2011.

Theo đó, lao động là thân nhân chủ yếu của người có công, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số… thuộc chín tỉnh nằm trong dự án (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và Hậu Giang) có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ các chi phí ban đầu. Dự án này không bao gồm người lao động thuộc 62 huyện nghèo đã được hỗ trợ theo quyết định 71, bao gồm: chi phí học nghề ngắn hạn, chi phí học ngoại ngữ, chi phí bồi dưỡng cần thiết, tiền ăn hằng ngày trong thời gian theo học và tiền đi lại.

Ngoài ra, các chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp cũng được hỗ trợ. Người lao động chỉ được hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ trợ. Trường hợp chi phí thực tế cao hơn mức hỗ trợ, học viên sẽ đóng góp hoặc ngân sách địa phương xem xét bổ sung.

HỒ VĂN(Báo Tuổi trẻ)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *