Ông Đoàn Văn Kiển: Đừng nghĩ chỉ việc xúc lên mà ăn

16/10/2011 06:57:38

– “Ta khoe dân ta thông minh, trí  tuệ tốt, lại có truyền thống trí tuệ  cần cù. Ta lại hơn họ về tài nguyên. Vậy tại sao ta không giàu? Ta đang thiếu cái gì?”. Đó là câu hỏi cần phải sớm có lời giải mà ông Đoàn Văn Kiển, nguyên chủ tịch Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam đã đặt ra khi trò chuyện cùng PV.Vậy sao ta không giàu?

Ông thấy tiềm năng mỏ của Việt Nam như thế nào?

Đến nay, nước ta vẫn là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, phong phú, nhiều chủng loại. Ví dụ như than ở Quảng Ninh hiện còn khoảng 10 tỷ tấn. Khai thác hơn 100 năm qua vẫn không bao nhiêu cả. Trữ lượng than ở đồng bằng sông Hồng khoảng 200 tỷ tấn. Dọc dải bờ biển vào đến Nam Côn Sơn có hàng nghìn tỷ tấn than dưới lòng đất. Ta có khoảng 7 – 10 tỷ tấn bô xít, đứng trong nhóm đầu thế giới. Quặng titan của chúng ta hàng đầu thế giới… Tôi kể ra mấy thứ để thấy về tài nguyên khoáng sản chúng ta giàu lắm!

Nhưng giàu khoáng sản để làm gì khi mà dân ta vẫn nghèo?

Đúng là như thế. Không phải cứ giàu khoáng sản nghĩa là đất nước giàu có. Nhưng tôi nói vậy để chúng ta nhìn sang Hàn Quốc. Nước họ không có nhiều tài nguyên như mình, nhưng nền kinh tế vẫn đứng 12 – 13 thế giới. Nghĩa là họ phát triển một cách hợp lý. Quan trọng là họ khai thác tốt tài nguyên trí tuệ. Nhật Bản cũng có rất ít tài nguyên. Họ cũng khai thác tài nguyên trí tuệ là chính.

Ta khoe dân ta thông minh, trí  tuệ tốt, lại có truyền thống trí tuệ  cần cù. Ta lại hơn họ về tài nguyên. Vậy tại sao ta không giàu? Ta đang thiếu cái gì? Các nhà quản lý, các nhà khoa học phải giải đáp vấn đề này.

Thiếu mạnh dạn

Theo lý giải của ông thì tại sao?

Tôi không đồng tình với cách người ta đang hành xử với tài nguyên khoáng sản. Gọi là tài sản quốc gia nhưng thiếu người phụ  trách, thiếu chính sách minh bạch, thiếu giải pháp đúng đắn. Cái cơ chế hiện nay gần như không ai dám chịu trách nhiệm, thiếu mạnh dạn trong việc quyết những vấn đề lớn.

Cái thiếu lớn nhất là sự  đồng tâm hiệp lực của bộ máy lãnh đạo. Họ  nói thì rất hay nhưng trong làm thực tiễn lại thiếu sự hợp sức.

Phải chăng đó chính là sự  yếu bản lĩnh của nhà lãnh đạo?

Thì ý tôi là thế  mà. Anh thiếu bản lĩnh, thiếu sự quyết đoán, thiếu sự hiệp lực, thiếu một quyết sách rõ  ràng. Tình trạng hiện nay là ông nói ra, bà nói vào, khiến cho ông cần phải quyết lại ngại không dám quyết.

Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên chủ tịch Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam
Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên chủ tịch Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam
Họ sẽ giải thích rằng họ làm thế là để công khai minh bạch, để dân chủ?Tôi đồng tình, nhưng công khai dân chủ phải có người quyết chứ. Ông cứ nghe ý kiến đi nhưng rồi ông phải  đủ kiến thức và bản lĩnh để quyết.

Cứ chiếm được mỏ là có tiền

Phải chăng chính cái sự thiếu bản lĩnh ấy dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản hiện nay như thế nào?

Thực trạng trước đây là  cái gì đã được quy hoạch thăm dò, khai thác thì  do Bộ TN&MT cấp phép, cái gì không nằm trong quy hoạch thì địa phương cấp phép. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn, cấp phép tràn lan, nảy sinh tiêu cực. Cứ chiếm được mỏ là có tiền. Ông chỉ cần lập hồ sơ xin cấp phép khai thác mỏ, rồi có giấy phép thì ông bán cho người khác để kiếm tiền. Tài nguyên khoáng sản là của quốc gia nhưng khi cấp phép cho một công ty thì nó thuộc cá nhân. Cứ thế nó loạn lên. Chúng ta có luật nhưng việc thực thi không chặt chẽ, không nghiêm túc.

Theo ông thì vì sao nó  lại không được thực thi chặt chẽ? Tôi không nghĩ  người ta làm ra luật chỉ để cho nó đẹp!

Mỗi tấm huân chương đều có hai mặt. Nếu mặt trước là hào quang thì mặt sau là sự vất vả. Khi đánh giá công tội của một ai đó người ta thường chỉ nhìn một chiều.

Một là ông lười. Hai là  vì sợ đụng chạm. Khi ông thực thi chặt chẽ  là ông đụng chạm đến quyền lợi của người này người kia. Khi đụng chạm thì có thể có người khác bênh người ta nên ông thực thi ở dưới cũng thấy khó. Vì thế mà ông lờ đi. Hoặc ông không dính dáng đến tiêu cực nhưng năng lực ông yếu kém thì ông cũng ngại việc thì cũng không làm. Việc thực thi thiếu chặt chẽ của ta khá phổ biến.

Ông nghĩ sao khi người ta bảo đem khoáng sản bán không phải là giải pháp hay?

Nếu anh đào bới lung tung, hủy hoại môi trường, bán thô ra nước ngoài… thì  không được phép hoặc được phép trong giới hạn nào đó thôi. Còn đào bới có trật tự, làm ra nhiều của cải xã hội, tuân thủ pháp luật, quy hoạch thì phải làm chứ. Anh làm vô tổ chức, trái phép làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì không được phép.

Đừng nghĩ đó là rừng vàng, biển bạc

Trở lại câu chuyện ban đầu về Nhật Bản và Hàn Quốc, họ là quốc gia có nền kinh tế phát triển dù không giàu tài nguyên. Trong khi đó, ta luôn nói rằng chúng ta rừng vàng biển bạc nhưng lại là nước nghèo nàn lạc hậu! Phải chăng chính vì “bố mẹ giàu có” mà sinh ra những đứa con ỉ lại?

 

 

 

Đừng bao giờ nghĩ  đó là rừng vàng biển bạc và chỉ việc xúc lên mà ăn! Làm thế nào để xúc lên mà  ăn.
“Đừng bao giờ nghĩ đó là rừng vàng biển bạc và chỉ việc xúc lên mà ăn! Làm thế nào để xúc lên mà ăn”.

Đúng là như vậy. Nhưng một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản không đồng nghĩa với việc đất nước đó giàu có. Đã có người ta bảo tôi: “Than chỉ việc đào lên mà bán mà ông bảo khó à”. Tôi thì thấy rằng, người nói vậy là người không quan tâm đến việc những người đã phải hy sinh, đổ máu khi khai thác than. Họ tư duy nông nên mới nói vậy.

Thôi thì trong quá trình đất nước phát triển đi lên cũng phải có những vướng mắc. Nhưng khai thác tài nguyên khoáng sản mà người dân mất đất, mất việc thì họ sống bằng gì? Ông lấy đất của dân thì phải tạo ra việc làm để họ sinh sống bền vững. Phải tạo nền tảng sống cho họ.
Khai tác tài nguyên khoáng sản không phải là việc dễ, tốn kém nhiều trí tuệ, mồ hôi nước mắt và máu. Đừng bao giờ nghĩ  đó là rừng vàng biển bạc và chỉ việc xúc lên mà ăn! Làm thế nào để xúc lên mà  ăn. Tất cả đều có mồ hôi, nước mắt và máu.Một số ngành than, dầu, điện, khai thác nguồn lực nhà nước nhưng lại độc quyền, kêu than. Người ngoài sẽ nhìn thấy các  ông phục vụ cho lợi ích của các ông từ  tài nguyên của Nhà nước?

Tôi nói về ngành tôi sẽ  bị mang tiếng là ngụy biện. Tôi xin nói về ngành điện. Tôi thấy họ không phải thu nhập cao. Thu nhập của họ thua xa ngành ngân hàng, tài chính. Đúng là họ có nguồn lực nhà nước. Đúng là họ có vốn, bảo lãnh của Chính phủ. Nhưng xin hỏi có ông tư nhân nào dám xung phong đưa điện lên miền núi không, đưa điện về nông thôn không? Giá bán thấp như cho nhưng đầu tư cao. Tư nhân có ông nào làm điện kiểu đó không? Mình phải nhìn vào thực tế để xét cái gì làm tốt thì mình thừa nhận cho người ta.

Nguyên Thủy (thực hiện)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *