Thành Giám đốc điều hành nhờ xuất khẩu lao động

Chấp nhận bỏ ngang 2 năm đại học để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản kiếm sống và nuôi gia đình, Đỗ Phương Huy đã trở thành niềm tự hào khi là 1 trong hai lao động đầu tiên của Việt Nam trở về thành danh với cương vị Giám đốc điều hành một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam.

Mùa hè năm 2007, lúc ấy Đỗ Phương Huy (sinh năm 1986 tại Bến Tre) đang là sinh viên năm thứ 2 của trường ĐH Giao Thông Vận Tải TPHCM, ngành Công Nghệ Thông Tin. “Lúc đó, do hoàn gia đình quá khó khăn, một gia đình nông dân để nuôi được một sinh viên đại học là cực kỳ vất vả”, Huy nhớ lại. Về quê nghỉ hè, tình cờ Huy biết tới thuông tin tuyển dụng của Chương trình đưa lao động Việt Nam sang thực tập sinh ở Nhật Bản không mất phí của Hiệp hội phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IMM Japan) kết hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam thực hiện tại địa phương. Với suy nghĩ học đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp, Huy đã đăng ký thi và trúng tuyển. “Tuy nhiên, nên đi hay ở lúc đó vẫn thực sự là một quyết định khó khăn vì bỏ ngang nghĩa là mất trắng hai năm ăn học với bao chi phí mà bố mẹ ở quê phải tằn tiện. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm đi với hy vọng kiếm tiền giảm bớt gánh nặng cho gia đình”, Huy chia sẻ.

Khi đã thành danh, nhiều người vẫn nói ra nói vào rằng Huy được như hiện nay phần nhiều do may mắn, vì các lao động từ Nhật Bản trở về có lợi thế hơn khi các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam rất chuộng lao động đã từng làm việc tại nước này. Họ thường xuyên tổ chức các buổi tuyển dụng dành cho những thực tập sinh Việt Nam tại Nhật về nước. Những lao động này thường dễ dàng tìm được một công việc tốt, một vị trí tốt tại các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam như tổ trưởng, trưởng bộ phận với mức thu nhập cao. “Tuy nhiên, thực tế trong 3 năm làm việc tại một môi trường lao động cực kỳ nghiêm khắc và cuộc sống đắt đỏ tại Nhật Bản, tôi đã phải cố gắng làm việc, học tập rất vất vả”, anh Huy chia sẻ.

“Hồi mới sang Nhật tôi cũng bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn khi trước mắt mình là một đất nước quá hiện đại, quá phát triển mà ngôn ngữ của mình lại như một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ, bập bẹ, chưa hoàn thiện”, Huy nhớ lại. Để khắc phục điểm yếu của mình là trình độ tiếng Nhật, ngoài giờ học ở công ty, anh đã tìm đến những trung tâm từ thiện day tiếng Nhật miễn phí. “Nếu nói đến may mắn thì điều măy mắn của tôi chính là đã nhận được sự chỉ dạy nhiệt tình và tốt bụng của thầy giáo ở các trung tâm này, đã giúp tôi ngày càng tiến bộ trong học tập”, Huy kể.

Tại Nhật, ngoài công việc chính hàng ngày là thợ đứng máy dập khuôn, chế tạo các sản phẩm nhựa tại công ty Kabushiki-kaisha Viptop, Huy còn nhận được sự chỉ dạy nhiệt tình về kỹ thuật, cách quản lý doanh nghiệp, về tiêu chuẩn ISO, trong những buổi học ở công ty mình cũng như công ty khách hàng. Đây cũng là thời gian giúp chàng trai trẻ trưởng thành nhiều nhất. Ngoài ra, trong 3 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, anh còn tham gia những hoạt động ngoại khóa ở IMM Japan, và Kabushiki-kaisha Viptop, qua đó có thêm nhiều cơ hội kết nối với mọi người và học hỏi kinh nghiệm tốt.

Kết thúc 3 năm tu nghiệp sinh về nước, Huy đã tiết kiệm được 2 triệu Yên, tương đương với khoảng 500 triệu đồng để xây cho mình một ngôi nhà khang trang. Nhưng thành công lớn nhất, đó là sau khi hết hạn 3 năm tu nghiệp sinh, Huy đã được Kabushiki-kaisha Viptop Nhật Bản tin tưởng giao chức Giám đốc Công ty TNHH Viptop Việt Nam (có trụ sở tại khu công nghiệp Long Định, Long Cang, tỉnh Long An, một chi nhánh của công ty Kabushiki-kaisha Viptop Nhật Bản). Dù đã có hàng chục nghìn tu nghiệp sinh về nước, nhưng với việc trở thành 1 trong số 2 người đầu tiên của Việt Nam về nước đạt tới chức vụ quản lý cấp cao, anh đã chứng minh thành quả mình đạt được hoàn toàn không phải may mắn. “Dù không có bằng cấp của một trường đại học, nhưng với những gì học được ở Nhật Bản, có một tay nghề vững vàng, trình độ tiếng Nhật tốt, và hơn cả là ý thức kỷ luật, tác phong của một lao động chuyên nghiệp, tôi rất tự tin với vai trò mới của mình là điều hành doanh nghiệp”, anh Huy chia sẻ.

Hiệp hội phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tu nghiệp sinh thứ hai cũng đang thành công với vị trí Giám đốc điều hành sau khi trở về từ Nhật Bản đó là anh Lê Văn Tiền (sinh năm 1983, quê ở huyện Ba Tri, Bến Tre). Cũng giống như Huy, anh Tiền sang Nhật Bản làm tu nghiệp sinh năm 2007, khi vừa tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng thành phố Hồ Chí Minh. Tại Nhật Bản, anh là công nhân đứng máy cho Công ty Ikeda Watanabe Kakinuma, một doanh nghiệp chuyên gia công khuôn dập kim loại. Với những nỗ lực học hỏi không ngừng tại Nhật Bản, khi hết hạn 3 năm tu nghiệp sinh vào năm 2010, anh cũng được lãnh đạo công ty Ikeda Watanabe Kakinuma tin tưởng giao cho vị trí giám đốc điều hành chi nhánh của doanh nghiệp này, với quy mô tới 4.000m2 tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore ở Bình Dương, đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị đi vào hoạt động.

(Báo Đầu tư)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *