Phải làm như một chiến dịch đưa chị em ra khỏi trại

Hai ngày sau khi 40 LĐVN được giải thoát khỏi trại tạm giam Juru và được đưa về nước an toàn, Đại sứ VN tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Lao Động tại Kuala Lumpur – thủ đô Malaysia.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

Đại sứ Việt Nam tại Malaysia trả lời phỏng vấn Báo Lao Động.

– Thưa ông, nhiều người khá bất ngờ trước việc 40 LĐVN từ trại tạm giam ra thẳng sân bay về nước. Trước khi rời khỏi Malaysia, các LĐVN đã được trợ giúp ra sao? Họ có được đền bù các thiệt hại về lương bổng, sức khỏe, tâm lý?

– Trong thời gian xảy ra vụ việc, rất nhiều người đã gọi điện tới sứ quán để bày tỏ sự lo lắng, thậm chí còn đặt câu hỏi: Với các thông tin trái chiều như vậy thì phải tin nguồn nào, rồi việc này có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý của những người muốn sang Malaysia XKLĐ không? Vì vậy, chúng ta không chỉ lo việc của 42 người mà lo cả tổng thể quyền lợi của nhiều lao động khác từ VN, họ đang và sẽ làm việc tại Malaysia.

Trong vụ việc này, chúng tôi tập trung đấu tranh, bằng mọi cách đưa chị em ra khỏi trại tạm giam. Tuy nhiên, đây chỉ là trại tạm giam chứ không phải nhà tù. Tất nhiên, đã vào trong trại tạm giam là chị em không được đi lại thoải mái, ăn uống kham khổ hơn… là đương nhiên.

Khi chị em bị chuyển tới trại Juru thì sứ quán vẫn tiếp tục đấu tranh với Cty môi giới và sử dụng lao động liên quan yêu cầu họ phải thanh toán tiền lương cho lao động. Ngày 9.4, sứ quán đã đưa được chị em ra khỏi trại Juru. Chúng ta gần như đã phải làm cả một chiến dịch để đấu tranh đưa chị em ra ngoài trại và phối hợp với Vietnam Airlines để đưa về nước ngay.

Ngay sau khi ra khỏi trại, chị em được đưa thẳng về sứ quán và sứ quán đã bố trí cho họ chỗ ăn ở tạm. Trước khi ra sân bay, sứ quán cũng có quà cho chị em. Có thể chị em cũng có những điều thiệt thòi, song chúng ta đã phấn đấu một cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi NLĐ. Nếu so sánh theo thủ tục thông thường, chúng ta vượt cả thời gian chứ chưa tính đến việc vượt qua tính chất phức tạp của vụ việc.

– Báo Lao Động đã cho phóng viên về Hà Tĩnh, Nghệ An xác tín sự thật về việc chị em LĐVN bị bắt giữ. Chị em sau khi về đến nhà đã kể lại rất chi tiết và thuyết phục về vụ việc. Ông có tin là họ bị “tra tấn” khi bị giam giữ không?

– Trong vụ việc này, chúng ta có thể hiểu rằng khi chính quyền Malaysia đưa chị em về trại Juru có nghĩa là họ đã không chấp nhận giải quyết vụ việc này thành một vụ án hình sự, mà chỉ là một vụ tranh chấp lao động. Bởi Juru là trại tạm giam của Cục Nhập cư, do đó vụ việc được giải quyết theo hình thức tranh chấp dân sự. Chuyện chị em ở trong trại bị đánh đập là chuyện bình thường. Bởi trong các trại này, về mặt tâm lý, những người cai quản trại, người có “quyền thế” ở trại – trong khi chị em mình không biết tiếng, nên nhiều khi họ nói mà chị em không hiểu thì có thể họ cáu, đánh đập chị em… Có rất nhiều giả thuyết về việc này, nên chúng ta phải xem xét nhiều chiều.

– Theo chúng tôi, dù ai đúng ai sai trong vụ này, thì trước hết chị em LĐVN chịu đủ thứ thiệt thòi. Ông có nghĩ là việc quản lý, giám sát, cả ý thức trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo hộ quyền cho LĐVN làm việc tại Malaysia đang có những lỗ hổng, bất cập lớn?

– Về vấn đề này, nhiều lần sứ quán đã đề nghị Bộ LĐTBXH VN phải xem xét lại toàn bộ quy trình tuyển mộ lao động. Hiện tuyển mộ lao động của chúng ta vẫn ở mức độ ào ào, đi để đủ đạt chỉ tiêu. Có nhiều lao động, hôm qua tới sứ quán để làm giấy tờ còn không biết chữ, phải điểm chỉ. Các Cty lao động, khi đưa người sang đây phải có đại diện ở đây để giải quyết. Ban Quản lý LĐVN tại Malaysia chỉ thẩm định hợp đồng ban đầu. Trong khi cả quá trình lao động kéo dài từ 2-3 năm, có rất nhiều vấn đề có thể phát sinh, vì vậy đại diện Cty phải có mặt ở đây để giải quyết. Vụ việc vừa rồi, nếu như ngay khi xảy ra tình trạng chưa gia hạn visa, nếu Cty có đại diện ở đây thì có thể xử lý vụ việc nhanh chóng.

Toàn bộ công tác kiểm tra, giám sát lao động hiện nay đang bị các Cty buông lỏng. Theo tôi, không chỉ riêng thị trường Malaysia mà là tất cả thị trường lao động nước ngoài khác, Bộ LĐTBXH phải quản lý được lực lượng lao động của mình. Sứ quán chỉ là cơ quan cuối cùng “chịu trận” khi nảy sinh ra các vấn đề liên quan tới công dân như bị bắt giữ… Nhưng cũng có trường hợp, các Cty không cho sứ quán thông tin mà các Cty tự giải quyết với nhau, song đôi khi không thể và vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn và lúc đó, sứ quán lại phải vào cuộc. Vì vậy, chúng ta cần phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cần phải nhìn nhận lại toàn bộ chính sách xuất khẩu lao động của VN. Cần nghiên cứu cụ thể, đầy đủ và cân nhắc các lĩnh vực mà chúng ta muốn đưa người sang ở từng thị trường.

– Xin cảm ơn Đại sứ!

Doãn Hoàng – Thu Trang thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *