Xuất khẩu lao động chui ở Nga: Bỏ mạng ở xứ người

Được một người quen cùng quê môi giới đi xuất khẩu lao động, với lời hứa sang bên Nga sẽ được đi làm lương cao, ổn định, lại không mất đồng nào chi phí xe cộ đi lại… Chúng tôi cứ ngỡ rằng vận may đã đến quyết đi xuất khẩu lao động để đổi đời… Ai ngờ!

Anh Vũ Hồng Hà ở Chí Linh (Hải Dương), chồng chị Nguyễn Thị Liệu, 1 trong 14 công nhân chết ở Nga day dứt, ân hận vì đã để vợ đi làm lao động chui.

Tai nạn lao động tại Nga
Xuất khẩu lao động Nga

Bỏ mạng nơi xứ người

Anh Hà cho rằng: “Nếu vợ tôi làm trong công ty hợp pháp, không phải khóa cửa thì không đến nỗi đám cháy to mà vẫn bị nhốt. Nay gặp tai nạn oan uổng mà không biết kêu ai, người quen không thấy đâu, chủ xưởng cũng chạy mất”.

Năm 2010, một người quen giới thiệu sang bên Nga, mọi chi phí đi lại, ăn ở bên đó họ lo cho hết, chị Liệu quyết định đi. Gia đình chị Liệu được một người quen gọi điện về báo, chiều ngày 12/9, xưởng may ở tầng 2 của toà nhà 6 tầng với diện tích khoảng 70m2 khi bị cháy thì cánh cửa chính duy nhất ra vào xưởng may lại đang bị khoá. Lúc chạy khỏi đám cháy, do hoảng loạn không tìm thấy chìa khóa nên chị Liệu mà 13 người nữa đã chết trong đám cháy.

Anh Hà cho biết khi đang đi làm xây dựng ở trong Lâm Đồng, được người quen gọi điện từ Nga về báo tin dữ, anh chết lặng người rồi vội vàng xin nghỉ để về quê. Về nhà, anh luôn dằn vặt mình sao lại để vợ đi rồi bỏ mạng xứ người. “Sau mỗi mất mát, cũng như mọi người tôi suy nghĩ về những thứ lẽ ra mình không nên làm. Nói gì cũng đã muộn, tôi chỉ biết ân hận và trách mình thật nhiều”, ngừng câu nói, anh Hà thở dài.

“Điều tôi tiếc nhất là không giục vợ về sớm hơn, chúng tôi cũng mới điện thoại cho nhau bàn bạc về tương lai, con cái… 2 năm nay, vợ tôi chưa một lần về thăm nhà. Tết năm nay, gia đình tôi sẽ đoàn tụ, chỉ còn vài tháng nữa, vậy mà. Bây giờ thì tất cả đã quá muộn”, anh Hà nói trong cơn xúc động, khó khăn lắm mới thoát được từng câu chữ.

“Cứ tưởng con tôi sang làm ăn tự do, không phải phụ thuộc ai, nào ngờ cháu nó lại nằm lại luôn bên xứ người. Đến bây giờ gia đình tôi đã lập bàn thờ nhưng chưa thấy xác cháu, hàng ngày thắp nén hương mà đau xót quá”, ông Vũ Đức Lạc, bố chồng chị Liệu lạc giọng trước bàn thờ con dâu.

Ông Lạc cho biết, đến giờ này, cô con gái 12 tuổi của chị Liệu vẫn chưa biết mẹ cháu mất vì ngay khi biết tin, gia đình đã gửi cháu sang ở nhờ nhà người bà con ở xã bên. Trước hôm 11/9 (ngày xảy ra vụ cháy xưởng may), hai mẹ con vẫn trò chuyện qua điện thoại rất vui vẻ. Tạm thời gia đình vẫn phải giấu tin mẹ cháu mất vì sợ cháu sốc, không học hành được.

Đau xót hơn cả là ông Nguyễn Văn Sáu, bố đẻ chị Liệu. Ông Sáu trước đây mồ côi mẹ từ nhỏ, rồi vợ ông khi 35 tuổi cũng mất nên hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi khổ của người mất người thân. Nay lại đến lượt cô con gái bỏ bố mà đi, ông Sáu thờ thẫn người, nằm bẹp ở nhà cả tuần nay… Khi chúng tôi ra về, đầu thôn người dân vẫn xì xào bàn tán: “Nếu không phải lo cơm áo, gạo tiền có lẽ chị Liệu không phải đi lao động chui rồi bỏ mạng bên xứ người khi tuổi mới 32. Khổ thân con bé xinh xắn, hiền lành mà bạc mệnh…!”

Đừng đẩy mình vào kiếp nô lệ

Ngày trở về, khi thấy người thân ra đón ở sân bay Nội Bài (Hà Nội), chị Tâm đã phải giấu những giọt nước mắt. “Lúc đó, tôi muốn được khóc òa như một đứa trẻ cho bõ những ngày ngóng chờ trở lại quê hương”.

Được đoàn tụ cùng gia đình, chị Tâm như được sinh ra lần thứ 2. Chị chia sẻ: “Lao động chui bên Nga như địa ngục, về lại quê nhà tôi như được sinh ra lần thứ hai, vậy mà hàng ngày tôi vẫn cứ thấy rất nhiều thanh niên nông thôn hứng khởi ra đi với giấc mông làm giàu mà không biết mình bỏ tiền ra để đi làm nô lệ. Có lẽ do mải mê giấc mộng mà người ta dễ dàng chấp nhận đánh cược số phận, không cần tìm hiểu kỹ càng”.

Các cơ quan chức năng luôn cảnh báo lao động Việt Nam, khi muốn sang Nga hay những nước khác làm việc nên tìm hiểu kỹ thông tin về chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam và nước đến làm việc. Sau đó, cần đăng ký đi theo con đường chính ngạch, thông qua các doanh nghiệp được Bộ Nhà nước cấp phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, có hợp đồng đã được thẩm định tại Cục Quản lý lao động ngoài nước để được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi làm việc ở nước ngoài.

Thấm thía nỗi cực khổ mà mình đã phải trải qua, chị Tâm mong rằng mọi người không nên nhẹ dạ tin vào những lời môi giới ngon ngọt đi lao động chui rồi tự đẩy mình vào kiếp nô lệ giống như chị và những người từng đi làm việc chui ở Nga. Chỉ nên đi xuất khẩu lao động nếu có cơ quan nhà nước bảo đảm quyền lợi.

Còn anh Vũ Hồng Hà trong nỗi ân hận vì vợ mất mới đã nhận ra sai lầm khi để vợ đi lao động chui. Nhưng tất cả đã quá muộn màng, khi đi người thật, khi về thành tro

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *